Sáng 9/5, tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện đã tập hợp được 2.293 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời cử tri theo quy định, đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời, đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển.
Trước những vấn đề cử tri quan tâm, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động xem xét, tổ chức nhiều cuộc làm việc tham vấn ý kiến chuyên gia; khảo sát, giám sát thực tế để nắm bắt tình hình cụ thể, đồng thời tổ chức một số phiên giải trình về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý Nhà nước, từ đó kiến nghị với các bộ, ngành một số giải pháp để tháo gỡ những vấn đề bức xúc mà cử tri nêu.
Đặc biệt, trong khoảng thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội thứ 6 và thứ 7, một số vấn đề mới, “nóng” được dư luận và cử tri cả nước quan tâm như: vấn đề xâm hại tình dục trẻ em; tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia; sụt lún, sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông tại một số địa phương; vấn đề ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý nước mắm; khiếu nại, tố cáo đông người do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư...
* Đề nghị Quốc hội ra nghị quyết xử lý nghiêm lái xe sử dụng ma túy, rượu bia
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên lựa chọn vấn đề bức xúc để Quốc hội ra Nghị quyết yêu cầu giải quyết trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan. Trong đó, “nóng” nhất hiện nay vẫn là an toàn giao thông. Theo báo cáo, những năm qua tai nạn giao thông có giảm về số vụ, số người chết nhưng lại nổi lên tình trạng tài xế sử dụng ma túy, rượu, bia dẫn tới nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Điều này đòi hỏi cần xử lý quyết liệt và Quốc hội có thể ra nghị quyết.
“Ví dụ như tình trạng tai nạn giao thông bức xúc, người dân đề nghị phải sửa đổi quy định, có chế tài với lái xe sử dụng ma túy, lái xe uống rượu gây tai nạn thì phải bị tước bằng lái vĩnh viễn. Còn xử phạt như hiện nay thì rất khó. Quốc hội nên lựa chọn một số vấn đề nóng bỏng để ra nghị quyết coi như quy định có thể áp dụng ngay” – ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.
Theo báo cáo, mặc dù Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, biện pháp quản lý để từng bước kiềm chế tai nạn giao thông, tuy nhiên qua thực tế và phản ánh của cử tri cho thấy, tình hình này vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả, tai nạn giao thông thường tăng rất mạnh trong mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết.
Theo quy định, để đảm bảo an toàn cho hành khách trên xe, tại khoản 1 Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ quy định về thời gian làm việc tối đa đối với mỗi lái xe ô tô là không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri, hiện tượng người lái xe làm việc vượt quá thời gian quy định, lái xe đường dài trong suốt nhiều giờ liên tục không được nghỉ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn cao diễn ra khá phổ biến. “Tuy nhiên, hiện tượng này ít bị các cơ quan kiểm tra, xử lý do thiếu thiết bị theo dõi, giám sát, đây cũng là nguyên nhân gây nên một số vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trong thời gian qua” – báo cáo của Ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Do đó, cử tri mong muốn Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá sớm tìm những giải pháp thực sự mạnh, hiệu quả để kiềm chế tai nạn giao thông như: sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý đối với các vi phạm theo hướng tăng mức xử lý với những người điều khiển phương tiện để đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm tại các cơ sở đào tạo lái xe; công tác tuyển dụng lái xe, quản lý hồ sơ sức khỏe của lái xe, về thời gian làm việc của người lái xe ô tô...
* Nhiều vấn đề trả lời cử tri còn thiếu thuyết phục
Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trả lời, giải trình các kiến nghị của cử tri, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, về cơ bản các bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.
"Hiện tượng trả lời chung chung, “lạc đề”, không đúng vấn đề mà cử tri nêu hay các nhầm lẫn, sơ suất trong văn bản trả lời kiến nghị gửi tới cử tri, so với các kỳ họp trước hầu như đã được khắc phục. Hầu hết văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp trả lời và ký" - báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo, vẫn còn một số Đoàn Đại biểu Quốc hội đánh giá, nhận xét cho rằng: nhiều văn bản trả lời cử tri chỉ thiên về trích dẫn các quy định đã có của pháp luật, trong khi cử tri đánh giá các quy định này đã và đang bất cập, không phù hợp, lạc hậu với thực tiễn nhưng không giải trình thấu đáo; một số văn bản trả lời cung cấp thông tin, giải trình các vấn đề mà cử tri nêu còn rất chung chung như đã giao, đang chỉ đạo giải quyết mà chưa đi thẳng vào vấn đề mà cử tri phản ánh, không nhận trách nhiệm của các bộ, ngành mình trong công tác quản lý hoặc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực mà cử tri kiến nghị nên còn thiếu thuyết phục.
Ví dụ, cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh… đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ trả lời rất chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của bộ trong công tác quản lý nhà nước khi để xảy ra việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, như trách nhiệm của bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi,.. chưa khoa học, còn sơ hở, chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra... Công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm. Bên cạnh đó, việc xử lý các cá nhân, tập thể của Bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra tới đây. Theo báo cáo, từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội./.
Nguồn: tuyengiao.vn