Tối 30 tháng 8 năm 2019, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hưng Yên trọng thể tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Hưng Yên và đón bằng công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tới dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo thị xã Hưng Yên, thành phố Hưng Yên qua các thời kỳ; đại biểu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện các phòng, ban, các xã, phường trên địa bàn thành phố; đại diện các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; đại diện người con quê hương Hưng Yên đang công tác tại các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; đại diện Hiệp hội các đô thị Việt Nam…
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, UV Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
tặng hòa chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hưng Yên
Vào thế kỷ 16 - 17, vùng đất Hưng Yên được biết đến qua địa danh Phố Hiến, là thương cảng nổi tiếng một thời, lớn nhất Đàng Ngoài, có hoạt động buôn bán, giao thương sầm uất với nhiều nước trên thế giới và nhanh chóng trở thành chốn phồn hoa đô hội - một tiểu Tràng An.
Tháng 10 năm 1831 - niên hiệu Minh Mạng, triều đình Huế thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn trên toàn lãnh thổ nước ta, trong đó có việc xóa bỏ các đơn vị tổng, trấn... và chia cả nước lại thành 30 tỉnh. Tỉnh Hưng Yên theo đó được thành lập, lỵ sở của tỉnh được đóng ở khu vực Xích Đằng (nay thuộc phường Lam Sơn - thành phố Hưng Yên).
Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, thị xã Hưng Yên tiếp tục được chính quyền cách mạng chọn làm lỵ sở của tỉnh Hưng Yên; nơi đây xưa là địa bàn chiến lược, là vùng đất có bề dày lịch sử về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá. Trong kháng chiến chống Pháp, thị xã là chiến trường ác liệt, đã triệt để “tiêu thổ kháng chiến” góp phần đánh thắng kẻ thù; trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã có trên 6.500 thanh niên lên đường đánh giặc, chi viện hàng vạn tấn lương thực cho chiến trường miền Nam.
Ngày 19/01/2009, thị xã Hưng Yên được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04 thành lập thành phố Hưng Yên, là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh.
10 năm qua, thành phố Hưng Yên đã có những bước tiến quan trọng với sự phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng bình quân 10 năm, từ 2009- 2019, đạt 11,8%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn gần 2% (năm 2018). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp- xây dựng, dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Không gian đô thị được mở rộng. Diện mạo đô thị, nông thôn mới ngày càng khang trang, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ. Những kết quả phát triển kinh tế của thành phố trên các lĩnh vực đã góp phần đưa nền kinh tế của thành phố ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã huy động được trên 2,2 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó gần 1,1 nghìn tỷ đồng vốn huy động từ nhân dân. Đã có gần 290 km đường giao thông nông thôn được xây mới, cứng hóa; 100 phòng học, phòng hiệu bộ được đầu tư xây dựng; nhiều công trình như: Trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi… được quan tâm đầu tư. Kết quả, đến cuối năm 2018, 10/10 xã của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và ngày 21.8.2019 vừa qua thành phố Hưng Yên đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã và đang tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường tiểu học, trung học cơ sở… trên địa bàn. Công tác tuyên giáo, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường; kỷ luật, kỷ cương không ngừng được duy trì, giữ vững; công tác dân vận của Đảng, hệ thống chính trị cũng ngày càng được tăng cường, phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương biểu dương những kết quả mà đảng bộ, chính quyền và nhân thành phố Hưng Yên đã đạt được trong 10 năm qua. Với sự đoàn kết, nỗ lực nên thành phố Hưng Yên đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng địa phương ngày càng phát triển, diện mạo của thành phố thay đổi theo hướng ngày càng văn minh, xanh, sạch, đẹp. Tăng trưởng kinh tế ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. Trong thời gian tới, thành phố Hưng Yên cần tập trung thực hiện các nội dung chủ yếu sau: Thực hiện tốt hơn nữa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khắc sâu, học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng thành phố giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, người dân có có chất lượng cuộc sống cao, có nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, xứng đáng là thủ phủ của tỉnh Hưng Yên. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố và của tỉnh Hưng Yên. Chủ động, tích cực hội nhập; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; thu hút các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa và quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Nâng cao chất lượng giáo dục và dạy nghề; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, triển khai có hiệu quả chính quyền điện tử; xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ viêc gây bức xúc xã hội. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Chú trọng công tác cán bộ; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII và phù hợp với tình hình của địa phương.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho đại diện đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hưng Yên; đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Nước trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân và cán bộ thành phố Hưng Yên vì đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thanh Hằng