Đó là Cụ Vũ Văn Đô, sinh năm 1928 tại thôn Đồng Lý, Thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động. Mặc dù đã ở tuổi 87 nhưng cụ vẫn còn tinh tường, khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Cụ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Tuổi cao – Gương sáng” của địa phương.
Cũng như bao người con của vùng quê giàu truyền thống cách mạng, bản thân cụ cũng cống hiến một phần tuổi thanh xuân cho đất nước. Khi trở về quê hương, với tâm niệm “Còn sức khỏe, còn phải cống hiến”, cụ tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như tham gia sinh hoạt Hội người cao tuổi, vận động người cao tuổi tích cực tập thể dục dưỡng sinh, đánh bóng chuyền hơi, đi bộ… để rèn luyện sức khỏe, giảm bệnh tật tuổi già. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, cụ không ngừng tuyên truyền cho con cháu, người dân tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong việc cưới, việc tang.
Là gia đình chính sách, cụ có người con trai cả là liệt sỹ Vũ Văn Thăng, hy sinh năm 1972 trong chiến dịch thành cổ Quảng Trị, nên cụ càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do. Chính vì vậy, cụ luôn thiết tha gìn giữ những nét đẹp truyền thống được coi là linh hồn của làng quê Đồng Lý. Suốt từ năm 1990 đến đầu năm 2014, cụ đã tình nguyện ra trông coi đình Đồng Lý-một ngôi đình thờ Minh Lang-Sát Hải đệ nhất long thần và ba bà Quỳnh Hoa, Mai Hoa, Quế Hoa đời Vua Hùng. Đình Đồng Lý được Bộ Văn hóa-Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 23/8/2004 và hiện nay di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, có giá trị, các sắc phong còn nguyên vẹn.
Hơn 20 năm trực tiếp trông coi di tích, cụ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền và các cơ quan cấp trên. Hình ảnh cụ Vũ Văn Đô lặng lẽ, cần mẫn trông đình Đồng Lý trong những năm qua đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Ngày nào cụ cũng có mặt ở đình để trông coi, vệ sinh sạch sẽ di tích, đóng mở cửa đón khách tham quan, hướng dẫn cho khách thập phương các nghi thức truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích…Khi phát hiện có tội phạm ăn cắp cổ vật, cụ đã kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để phối kết hợp giải quyết, có biện pháp thích hợp để giảm thiểu hư hại cho ngôi đình.
Đặc biệt, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh ta xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật và đồ thờ tự tại nhiều đình, đền, chùa trong đó có Đình Đồng Lý. Nhưng nhờ ý thức cảnh giác cao và sự mưu trí, dũng cảm, khi phát hiện kẻ trộm cậy cửa lẻn vào đình lấy trộm cổ vật, cụ đã kịp thời hô hoán dân làng, vì vậy những cổ vật giá trị bao gồm: 2 lệnh đồng, 1 chiêng đồng, 2 bộ đỉnh đồng và 1 bát hương đồng đã được giữ lại an toàn. Trước tấm gương bắt trộm của cụ già gần 90 tuổi này, người dân thôn Đồng Lý ai cũng thán phục.
Cụ Đô tâm sự: Từ khi xảy ra hiện tượng có trộm đột nhập vào đình tôi rất lo lắng. Nhiều đêm liền, tôi trăn trở không ngủ được vì thấp thỏm lo có trộm đến. Vì ngôi đình của làng, ngoài việc thờ cúng, nơi đây còn là điểm thắng cảnh của một vùng quê, một trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng xã nên bảo vệ và giữ gìn là trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây.
Nhận xét về cụ Đô, anh Vũ Duy Hưng, Phó thôn Đồng Lý cho biết: Cụ Đô là người có tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao. Mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, thân thiện, cởi mở nên ai cũng quý mến. Không chỉ tích cực trong công tác xã hội, cụ còn luôn quan tâm, bảo ban con cháu trong gia đình, dòng họ học tập, công tác tốt. Đối với bà con lối xóm, cụ hết sức chân thành, giữ trọn tình làng, nghĩa xóm, xây dựng khối đoàn kết vững chắc trong thôn. Cụ luôn là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Suốt hơn 20 năm tận tụy, cần mẫn, trách nhiệm với công việc trông coi, bảo vệ đình Đồng Lý như vậy, nhưng cụ không được hưởng bất cứ đồng thù lao nào. Thiết nghĩ, ngành chức năng sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về chế độ thù lao đối với những người trông coi, bảo vệ di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Việc thực hiện chế độ thù lao đối với người trực tiếp trông coi, bảo vệ các di tích lịch sử cấp Quốc gia nhằm động viên, gắn quyền lợi với nghĩa vụ của người bảo vệ di tích, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người trực tiếp bảo vệ di tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Mặc dù không được hưởng thù lao nhưng cụ Đô rất vui vẻ, bởi cụ xác định đây là việc làm tự nguyện. Bao năm "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", gia đình cụ luôn hòa thuận, gương mẫu, song toàn …hằng năm đều được nhân dân đồng thuận thông qua Hội Người cao tuổi hoặc Mặt trận tổ quốc bình bầu là gia đình "Ông bà cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền". Với những đóng góp cho quê hương, cụ Vũ Văn Đô xứng đáng là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất trong phong trào “tuổi cao gương sáng” của Hội Người cao tuổi huyện Kim Động.
Mai Diên
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)