Đấu thầu, dự án
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 27
Phần 13 – Đảng bộ Hải Hưng lãnh đạo khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, góp phần cùng cả nước tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc (1973 – 1975)

Ngày 28-01-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi nêu rõ: “Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra cho miền Bắc nước ta những điều kiện thuận lợi chưa từng thấy để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Khôi phục và tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội


Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi to lớn và vẻ vang. Một ngày sau Hiệp định Pari được ký tắt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 200-CT/TW ngày 24-01-1973 Về việc Hiệp định về Việt Nam đã được ký tắt, những việc phải làm ngay. Ngày 28-01-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Lời kêu gọi nêu rõ: “Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra cho miền Bắc nước ta những điều kiện thuận lợi chưa từng thấy để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Thắng lợi này đã tạo khí thế phấn khởi cho nhân dân cả nước cũng như cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Hải Hưng bước vào thực hiện kế hoạch năm 1973 với khí thế cách mạng mới.
Tháng 12-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 22 đề ra nhiẹm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong hai năm 1974-1975 và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đẩy mạnh quy mô công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm tiếp theo.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về khôi phục, phát triển kinh tế trong điều kiện miền Bắc chuyển sang thời kỳ hoà bình và trước tình hình mới, nhiệm vụ mới của địa phương, Tỉnh uỷ Hải Hưng đã kịp thời đề ra chủ trương nhằm phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu thành phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng có hiệu quả để nhanh chóng khôi phục hậu quả của chiến chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất, văn hoá cho nhân dân, tạo đièu kiện phát triển theo quy mô lớn trong những năm sau.
Về nông nghiệp, Tỉnh uỷ nhấn mạnh một số vấn đề như: tích cực chuẩn bị mọi mặt cho nông nghiệp phát triển toàn diện; hoàn chỉnh việc phân vùng quy hoạch sản xuất, điều chỉnh lại cây trồng trên từng vùng đất cho thích hợp với quy hoạch mới… Đối với chăn nuôi gia đình, cần có sự hướng dẫn sử dụng tốt 5% ruộng đất để tăng nguồn thức ăn cho gia súc; có kế hoạch hướng dẫn việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động trong gia đình và giải quyết tốt các các chính sách giá cả, thu mua, tạo cho kinh tế gia đình có điều kiện phát triển.
Quán triệt sâu sắc tình hình và nhiệm vụ mới, nắm vững tư tưởng chỉ đạo và quan điểm cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 22, căn cứ vào tình hình cụ thể trong tỉnh, ngày 10-4-1974, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 193-NQ/TU về nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá trong hai năm 1974-1975.
Kết quả thực hiện trong hai năm 1973-1974, việc khôi phục và phát triển kinh tế đạt kết qủa khả quan.
Về trồng trọt, năm 1973 tổng diện tích gieo trồng được là 256.608 ha, đạt 98,2% kế hoạch, so với năm 1972. Diện tích lúa cấy được là 218.637 ha, đạt 95,2% kế hoạch và tăng hơn năm 1972 là 0,6%. Năng suất vụ chiêm xuân năm 1973 đạt 2.553 kg/ha, vụ mùa đạt 2.470 kg/ha, năng suất lúa cả năm đạt 5.023 kg/ha. Diện tích hoa màu trồng được 15.430 ha, đạt 119 % kế hoạch.
Cây công nghiệp bước đầu được trồng tập trung trên những vùng lớn. Tổng diện tích trồng 8.162 ha, đạt 113% kế hoạch và tăng so với năm 1972 là 6,7%.
Năm 1973, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện và cũng là một trong những năm được mùa của Hải Hưng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vân còn những mặt hạn chế nhất định đó là chưa có đầu tư thích đáng, công tác thuỷ nông còn yếu, việc quy hoạch cho các vùng còn châm…
Để khắc phục những hạn chế trên, năm 1974, Tỉnh uỷ đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức sản xuất theo hướng phân vùng cho các loại cây trồng như lúa, đay, khoai, ngô…; chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp thâm canh, tăng vụ…
Tổng diện tích gieo trồng năm 1974 là 264.411 ha,đạt 94% kế hoạch, tăng 7.000 ha so với năm 1973. Trong đó diện tích lúa gieo cấy tăng 5% so với năm 1973. Năng suất cây trồng đều tăng, có loại tăng khá nhanh so với năm 1973. Đặc biệt là năng suất lúa vụ chiêm xuân năm 1974 đạt 3.302 kg/ha, đạt 117% kế hoạch, tăng 29,3% so với vụ chiêm xuân năm 1973. Ngoài ra, Tỉnh uỷ đã không ngừng chỉ đạo nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm khai thác đến mức tối đa ưu thế của giống lúa mới.
Trong phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được ổn định và từng bước đi lên. Năm 1974, Hải Hưng có  trên 99% số hộ nông dân vào hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã có quy mô lớn đã phát huy tác dụng tích cực trong sản xuất và trong công tác quản lý kinh tế. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của hợp tác xã được tăng cường, các ngành nghề được phát triển, thu nhập của xã viên ngày một tăng.
Chăn nuôi có bước phát triển, năm 1973 đàn trâu có 79.683 con, đạt 99,8% kế hoạch, tăng 2.286 con so với năm 1972; đàn bò có5.535 con đạt 85% kế hoạch. Năm 1974, đàn lợn có 529.074 con, đạt 101,9% kế hoạch, tăng 0,9% so với năm1973; ngành cá thu hoạch gần 5.000 tấn/9.733 ha…
Trên mặt trận thuỷ lợi, hệ thống đại thuỷ nông Bắc – Hưng - Hải đã căn bản xoá bỏ được nạn hạn hán từ lâu đời, biến phần lớn ruộng đất từ một vụ thành hai vụ trong năm. Toàn tỉnh có tổng số 228 trạm bơm điện, gần 2.300 máy bơm dầu với công suất trên 1 triệu m3/giờ và hệ thống kênh mương ngày càng được mở rộng là cơ sở bước đầu rất quan trọng.
Về sản xuất công nghiệp, ănm 1973, Tỉnh ủy Hải Hưng chủ trương: các xí nghiệp đã ổn định sản xuất cần phải cố gắng tới mức cao nhất để tranh thủ những điều kiện thuận lợi về vật tư. Từ chiến tranh chuyển sang hòa binh, sản xuất công nghiệp tuy có nhiều thuận lợi những còn nhiều khó khăn như: thiếu vật tư, thiết bị, điều kiện ăn ở, sinh hoạt… Tuy nhiên, giá trị  sản lượng công nghiệp vẫn tăng cao, đạt khoảng 48,5 triệu đồng, đạt 97,6% kế hoạch.
Năm 1974, Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và việc củng cố hợp tác xã thủ công nghiệp nhằm cố gắng phục hồi nhanh, chuyển hướng kịp thời để hoàn thành kế hoạch Nhà nước. Giá trị tổng sản lượng toàn ngành đạt 100,9% kê hoạch, so với năm 1973 tăng 13,8%. 29/42 xí nghiệp quốc doanh và hầu hết cơ sở tiểu thủ công nghiệp đều đạt và vượt mức kế hoạch.
Giao thông vận tải năm 1973 cũng có nhiều cố gắng, đã khắc phục từng bước thực trạng mất cân đối lớn trong hệ thống giao thông sau chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Năm 1974, ngành giao thông vận tải đã chú trọng sửa chữa và sản xuất các loại tầu, thuyền, sà lan, canô, đưa vào sử dụng 50% thuyền gắn máy; tích cực sửa chữa và làm mới các cầu cống, đường sá giao thông nông thôn…
Xây dựng cơ bản đảm bảo tốc độ nhanh, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi, hoàn chỉnh thủy nông, xây dựng một số trạm trại nông nghiệp và tranh thủ khôi phục xong được một số công trình chủ yếu cho công nghiệp, giao thông vận tải, trường học… Tổng số vốn đầu tư năm 1973 thực hiện là 24,3 triệu đồng, đạt 76% kế hoạch. Năm 1974, xây dựng cơ bản đạt 30.297.000 đồng, bằng 100,4% kế hoạch so với năm 1973 đạt 126,2%.
Lĩnh vực lưu thông phân phối có nhiều tiến bộ. Hàng bán ra tăng mạnh và thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
Về nghĩa vụ với nhà Nước, vụ chiêm xuân năm 1973 thực hiện được 72.575 tấn, vụ mùa là 58.883 tấn. Việc huy động lương thực đã cơ bản được hoàn thành mức ổn định nghĩa vụ năm.
Công tác tài chính ngân hàng đã tích cực tăng cường huy động các nguồn th, phục vụ kịp thời cho yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, mặt khác tận dụng nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ bản.Tuy nhiên, về tài chính ngân hàng chưa tận dụng hét các nguồn thu như thu thuế công thương nghiệp cá thể; công tác tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu của cơ sở sản xuất…
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và chăm sóc gia đình có những chuyển biến đáng kể. Tỉnh ủy chú trọng đề cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong ngành y, giữ vững khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Coi trọng việc kết hợp giữa phong trào vệ sinh phòng bệnh với phát triển phong trào thể dục thể thao thanh phong trào quần chúng rộng rãi.
Về giáo dục phổ thông trước tình hình mới, đòi hỏi nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập phải được nhanh chóng cải tiến theo phương châm giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, đi sát mọi hoạt động xã hội nhằm đào tạo cho học sinh sau này có trình độ văn hóa vững vàng, có sức khỏe tốt, có kiến thức và năng lực lao động sản xuất, phục vụ cho công cuộc kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, truyền thanh, báo chí, bưu điện có điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động, song cần phải cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ nhằm hoạt động khí thế xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe như chạy, bơi, thể dục được đẩy mạnh ở các trường học, cơ quan, xí nghiệp và một số xã.
Công tác kế hoạch hóa gia đình được chỉ đạo chặt chẽ, tỉ lệ phát triển dân số so với năm 1973 giảm được 0,28% so với kế hoạch Trung ương giao giảm 0,18%.
Chính sách hậu phương quân đội được tăng cường phát huy, chấn chỉnh, củng cố bộ máy quản lý ở tỉnh, huyện và xã để đảm bảo nhiệm vụ ngày càng lớn. Công tác đón tiếp, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục, và sắp xếp công việc cho thương, bệnh binh có tiến bộ hơn trước. Ngày 12-2-1973, Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 123-NQ/TU chuyên đề về “Đón tiếp những anh chị bộ đội bị địch bắt được trao trả”.


Chuẩn bị lực lượng, huy động cao nhất sức người, sức của, góp phần chi viện cho cách mạng miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc


Tháng 10-1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 ra Nghị quyết mang tên Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới. Cùng với nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh và phát triển sản xuất, toàn Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã dồn sức của làm nhiệm vụ của hậu phương lớn chi viện cho cách mạng miền Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất cả nước.
Ngày 12-6-1974, Thường vụ Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 88 Về nhiệm vụ quân sự địa phương trong tình hình mới. Ngày 05-10-1974, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 210-CT/TW  Về công tác quân sự địa phương và công tác quân sự trong các bộ, các ngành.
Đảng bộ Hải Hưng thực hiện Nghị quyết 88 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Chỉ thị 210 của Ban Bí thư Trung ương bằng việc đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, tập trung xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện để thúc đẩy các nhiệm vụ mới được lồng ghép vào đợt tổng kết 8 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Năm 1973, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở tỉnh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Địch tăng cường hoạt động chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý dưới hình thức mới. Trước tình hình đó, công tác an ninh chính trị và trật tự trị an xã hội được chú ý. Ở thị xã phát động phong trào quần chúng “khối phố tự quản”. Các cơ quan chuyên chính tích cực khám phá và xét xử nhanh những vụ vi phạm lớn để giáo dục quần chúng. Cơ quan quân sự các cấp một mặt tổ chức giáo dục cho lực lượng vũ trang và bán vũ trang về tình hình nhiệm vụ mới; huấn luyện quân sự theo chương trình của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục cho thanh niên và học sinh cấp II và III. Mặt khác, đã tiến hành tổng kết việc xây dựng đội tự vệ ở các cơ quan để nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, kết hợp với  việc phát huy vai trò nòng cốt của dân quân tự vệ để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Sang năm 1974, tình hình an ninh chính trị trong tỉnh năm 1974 vẫn được đảm bảo tốt. Hoạt động phá hoại và chống đối của các đối tượng phản động chưa có biểu hiện gì lớn. Cũng trong năm này, số lượng thương, bệnh binh chuyển vệ địa phương đã được tỉnh tiếp nhận về các trường, trạm, trại với số lượng lớn.
Giữa năm 1974, trên chiến trường miền Nam quân ta giành thắng lợi lớn. Trước tình thế mới, từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974, Bộ Chính trị họp bàn về chủ trương giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ ngày 8-12-1974 đến ngày 07-01-1975, Bộ Chính trị tiếp tục họp và đã vạch ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, tuy nhiên phải cố gắng cao nhất để thắng lợi gọn trong năm 1975.
Ở Hải Hưng, trước yêu cầu của tình hình mới, ngay đầu năm 1975, Nhà nước đã gaio chỉ tiêu quân cho tỉnh nhiều gấp hai, ba lần so với năm 1974, bao gổm khaỏng 7.000 quân xây dựng kinh tế và một lực lượng lớn cho công an vũ trang bảo vệ miền Bắc.
Quán triệt ý định và quyết tâm chiến lược cảu Bộ Chính trị, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, chủ động vượt khó, nhanh nhạy đón bắt thời cơ, tham mưu cho Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh hạ quyết tâm giao vượt quân số cả năm 1975 chỉ trong một đợt ngay trong dịp đầu năm. Ngày 15-3-1975, tất cả các huyện, thị xã đều tiến hành giao quân cho các đơn vị đử và vượt chỉ tiêu cả năm 1975. Đây là đợt giao quân lớn và nhanh gọn, đồng loạt với khí thế và chất lượng chưa từng có, đã giao 23.797 người (chỉ tiêu 23.560), vượt mức 1,2%.
Giao xong quân đi chiến đấu, Hải Hưng xây dựng tiếp các tiểu đoàn Bãi Sậy 1, Bãi Sậy 2, Đoàn 7, Đoàn 8 gồm 4.647 đồng chí, có 30% là nữ bao gồm lao động phổ thông, công nhân viên chức, công nhân, thợ mộc…
Ngày 30-4-1975, quân ta giải phóng Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Trong thắng lợi này còn có sự đóng góp mồ hôi, xương máu của người dân Hải Hưng. Cùng với cả nước khắp nơi trong tỉnh đâu đâu cũng phấn khởi, vui sướng trước tin chiến thắng vang dội ở miền Nam.
Ngày 01-5-1975, tại Quảng trường vườn hoa Độc Lập đã diễn ra cuộc mít tinh lớn của hơn 10.000 cán bộ và các tầng lớp nhân dân thị xã Hải Dương do Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức đê kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 và mừng chiến thắng vũ đại của nhân dâb ta đánh bại bọn đế quốc Mỹ và ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc diễu hành rầm rộ qua các đường phố của Thị xã Hải Dương – tỉnh lỵ của Hải Hưng.


Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng, củng cố chính quyền và các đoàn thể


Trước bước ngoặt của cách mạng từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, Tỉnh ủy đã quyết định cần phải làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong Đảng và quần chúng nhân dân, đặc biệt là quan tâm đến các giai đình bộ đội và tiến hành nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng và các tổ chức quần chúng. Công tác tư tưởng phải tạo nên được khí thế phấn khởi hào hứng trong toàn Đảng, tòan dân thấy được thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và tự hào, vinh dự về thắng lợi đó. Đồng thời xác định được nhiệm vụ phải đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ phải đẩy mạnh phong trào thi đua hoàn thành những nhiệm vụ trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế, chống lại tư tưởng hòa bình chủ nghĩa và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Về tổ chức Đảng, Tỉnh ủy tạp trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ chính là kiện toàn và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các huỵên, thị xã, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 192 về phân loại đảng viên và thực hiện Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về công tác cán bộ trong thời gian mới.
Năm 1973, nhằm thực hiện nguyên tắc dân chủ trong sinh họat Đảng và kiện toàn, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các huyện, thị ủy tiến hành đại hội Đảng. Thông qua đại hội, các huyện ủy, thị ủy đã kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, rút ra những bài học kinh nghiệm lãnh đạo, đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu của phong trào, đồng thời xác định những biện pháp chính để thực hiện.
Tỉnh ủy đã định ra việc cải tiến và nâng cao chất lượng sinh toạt chi bộ cùng với cuộc vận động nâng cao chất lượng Đảng viên từ đầu năm 1971. Trong năm 1973, toàn tỉnh kết nạp 365 đảng viên mới, trong đó có 120 nữ, 305 đoàn viên thanh niên lao động, 12 chiến sỹ thi đua, số đảng viên còn laịi đều là lao động tiên tiến.
Rút kinh nghiệm các đợt trước, việc vận dụng nguyên tắc phân loại xử lý đảng viên nói chung được thận trọng và nhanh, gọn hơn. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên, đảng viên hiểu rõ hơn nhiệm vu, quyền hạn của mình, thấy rõ hơn trách nhiệm đối với việc xây dựng Đảng, giữ gìn sự trong sạch và vững mạnh của Đảng.
Trong công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo và tập trung mọi cố gắng vào việc bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức tư tưởng, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên, nhiệm vụ này được xác định là trọng yếu và bức thiết; đồng thời thực hiện tốt Chỉ thi 192 và Nghị quyết 225 của Trung ương Đảng.
Quán triệt nhiệm vụ trên, các trường Đảng trong tỉnh, huyện và các cơ quan, xí nghiệp đã tích cực mở lớp huấn luyện, mở lớp chính trị tại chức cho cán bộ, đảng viên đi học. Năm 1974, toàn tỉnh đã mở 73 lớp huấn luyện cho 3.669 cán bộ, đảng viên cơ sở, đạt 69,9%.
Các cấp ủy Đảng rất coi trọng việc nâng cao chất lượng Đảng viên và củng cố các tổ chức cơ sở đảng gắn liền với củng cố hợp tác xã, cơ quan, xí nghiệp và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Về công tác cán bộ, Tỉnh ủy đã có chủ trương, biên pháp thực hiện tập trung vào những điểm mấu chốt, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng, quy hoạch cán bộ đã được tiến hành, việc điều tra cơ bản về đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ kỹ thuật, quản lý nói riêng đã hoàn thành.
Tuy nhiên, công tác phát triển Đảng chưa thực sự được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Tư tưởng ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên cũng gây cản trở lớn.


Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất


Từ ngày 24-3 đến ngày 01-4-1975 tại Nhà Văn hóa tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh được diễn ra. Về dự Đại hội có 450 đại biểu chính thức và 45 đại biểu dự khuyết đại diện cho hơn 71.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đại hội đã nghe và thảo luận Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và quyết định phương hướng nhiệm vụ chung của toàn Đảng bộ trong thời gian tới.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 39 đồng chí, trong đó có 6 Ủy viên dự khuyết; bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí, đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Tạo và đồng chí Lê Quý Quỳnh, Phó Bí thư.
Kết quả của công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hải Hưng trước hết là do đường lối chính sách đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ và sự quan tâm trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Về chủ quan, nguyên nhân quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định sự đoàn kết của Ban Chấp hành Đảng bộ, thể hiện rõ qua việc dân chủ hóa bàn bạc và quyết định chủ trương công tác trong tỉnh. Tinh thần đó quán triệt đến các cấp các ngành đã tạo đựơc sự nhất trí cao từ trên xuống dưới thống nhất hành động; khi đã có nghị quyết thì trên dưới thống nhất hành động, khẩn trương tiến hành và tìm mọi biện pháp thực hiện.
Việc củng cố chính quyền, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của bộ máy nhà nứơc để đảm đương chức năng quản lý, tổ chức quản lý nền kinh tế mới được chú trọng. Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính huyện, thị xã, xã, thị trấn năm 1973 được tiến hành nhanh gọn, đảm bảo nguyên tắc dân chủ. Cán bộ lãnh đạo chính quyền được nhân dân tín nhiệm bầu nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với quần chúng.
Công tác vận động quần chúng được tăng cường một bước so với trước. Các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công Đoàn, Mặt trận đã phát huy sức mạnh của các tổ chức và khí thế cách mạng của quần chúng; động viên, khích lệ và giáo dục đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện ba nghĩa vụ lớn: lao động, bảo vệ Tổ quốc và học tập; hướng mọi hoạt động của quần chúng vào phong trào lao động, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội; quản lý, cải tiến kỹ thuật góp phần vào thắng lợi sản xuất công, nông nghiệp.
Sau ba năm phấn đấu (1973-1975), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã đem hết sức mình thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, cùng cả nước tăng cường chi viện cho miền Nam giành toàn thắng, thống nhất Tổ quốc. Từ một tỉnh vừa trải qua chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ và thiên tai liên tiếp, Hải Hưng đã phục hồi nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp phát triển, từng bước được nâng lên, trật tự trị an được đảm bảo. Trong những năm này, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã thực hiện tốt nghĩa vụ với tiền tuyến lớn: hàng vạn thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu; lực lượng thanh niên, dân công hỏa tuyến, công nhân kỹ thuật xung phong đi phục vụ chiến đấu; giao hàng vạn tấn lương thực cho Nhà nước.
Những đóng góp to lớn đó đã thể hiện sâu sắc tinh thần trách nhiệm, tình cảm cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đối với đồng bào miền Nam ruột thịt; góp phần quan trọng vào thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thiếu sót đáng chú ý như: chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển công nghiệp địa phương, tiểu thủ công nghiệp trong hoàn cảnh có nhiều điều kiện và khả năng phát triển. Trong nông nghiệp, chăn nuôi chưa được đẩy mạnh để trở thành ngành sản xuất chính.
Kết quả đạt được ở giai đoạn lịch sử này sẽ giúp cho Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng có cơ sở để cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những năm tới.

Tin liên quan