Khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao đang là vướng mắc, khó khăn chung của nhiều cơ quan nhà nước (Ảnh minh họa: Internet)
Trao đổi tại phiên tọa đàm cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2019 chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)” vừa qua, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay nguồn nhân lực cho CNTT đặc biệt là nhân lực CNTT của các cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn. Xu hướng chung là cán bộ có năng lực, trình độ cao nhưng vì thu nhập thấp đã chuyển sang khu vực ngoài nhà nước. Mặt khác, muốn tuyển dụng nhân lực CNTT của cơ quan nhà nước cũng rất khó do thu nhập thấp.
“Hiện nay, một cán bộ CNTT làm việc tại cơ quan nhà nước lương chỉ bằng 1/4 so với nhân sự làm CNTT ở khu vực ngoài nhà nước. Vì thế, đề nghị có chính sách đặc thù để làm sao khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phục vụ sự nghiệp liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh ở các địa phương”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đề xuất.
Trên thực tế, khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao không chỉ là vướng mắc của riêng các cơ quan nhà nước trên địa bàn Hà Nội mà cũng là khó khăn chung của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã gửi kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó có đề nghị Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ ban hành quy định cụ thể về chính sách phát triển và ưu đãi nguồn nhân lực CNTT.
Trả lời kiến nghị nêu trên của cử tri tỉnh Gia Lai, Bộ TT&TT cho biết, căn cứ Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 của hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Nghị quyết 107 ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và của Chính phủ, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 307 ngày 19/3/2019 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 107 ngày 16/8/2018 của Chính phủ.
Tại Nghị quyết 107 ngày 16/8/2018, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời kiến nghị sửa đổi hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về chế độ tiền lương, hoàn thành trong quý III/2019 gửi Bộ Nội vụ để cân đối và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định 1161 ngày 31/7/2019 về việc ban hành Kế hoạch xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức chuyên ngành TT&TT.
Bộ TT&TT cũng cho biết, hiện nay, Bộ đang rà soát, thống kê vị trí việc làm và thực hiện chính sách tiền lương trong lĩnh vực TT&TT. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng đề xuất bảng lương công chức, viên chức và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành CNTT, An toàn thông tin…
“Bộ TT&TT sẽ gửi đề xuất sang Bộ Nội vụ để tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền sau khi hoàn thiện dự thảo bảng lương công chức, viên chức theo vị trí việc làm và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức ngành TT&TT”, văn bản của Bộ TT&TT trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai cho hay.
Vân Anh
(Nguồn: ictnews.vn)