Văn Hóa - Xã Hội
Đăng ngày: 09/05/2022 - Lượt xem: 48
"Lễ hội cầu mưa" xã Lạc Hồng- huyện Văn Lâm- tỉnh Hưng Yên được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Lễ hội cầu Mưa, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cầu Mưa hay còn gọi là lễ hội Tứ Pháp có từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (vị thần nông nghiệp cổ sơ gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho những hiện tượng thiên nhiên

 

Chuyện xưa kể rằng ở phía Nam kinh thành có một ngôi chùa tên là Phúc Nghiêm Tự có nhà sư trụ trì người Ấn Độ tên là Khâu Đà La rất giỏi phép thuật. Lúc đó ở làng Mãn Xá (phía Tây Nam làng Dâu) ông bà Tu Định có người con gái xinh đẹp, nết na tên là Man Nương, do rất phục phép màu của nhà sư Khâu Đà La nên ông bà Tu Định cho con gái theo thầy học đạo. Một hôm chùa mở khoa lễ, chư tăng lên chùa tụng kinh, Man Nương phải vào bếp nấu ăn cho chúng tăng. Sau khoa lễ, mọi người ra về chỉ còn Man Nương ngủ quên ở ngoài ngưỡng cửa, nhà sư Khâu Đà La tình cờ bước qua người nàng và nàng thụ thai một cách thần kỳ. 14 tháng sau, nàng Man Nương sinh hạ một bé gái và đem trao cho Khâu Đà La. Nhà sư bèn mang đứa bé ấy đến bên gốc cây Dung Thụ (cây dâu) ở ngã ba sông rồi đọc kệ, cây bỗng mở rộng thân mình, ôm đứa bé vào lòng. Sau đấy nhà sư trao cho Man Nương cây tích trượng và dặn cách cắm cây tích trượng ấy xuống đất để làm mưa lấy nước chống hạn cho dân làng. Man Nương trở về quê, nàng giúp dân chống hạn rất ứng nghiệm. Khi Man Nương đã ngoài 80 tuổi thì một hôm mưa bão, gió to, cây Dung Thụ kia bị đổ trôi theo dòng sông về tới cửa chùa. Đến đây cây không chịu trôi nữa, dân chúng định chặt làm củi mà không sao kéo cây vào được. Khi đó Man Nương ra bến giặt quần áo, bà tung dải yếm ra thì cây trôi theo vào ngay. Vớt được cây dâu lên bờ, người ta thuê thợ tới để xẻ cây gỗ làm đình. Kỳ lạ thay khi cưa khúc đầu thì thấy mây kéo lên ùn ùn đen cả một vùng trời, cưa khúc thứ hai thì thấy mưa, cưa khúc thứ ba thì thấy sấm, cưa khúc thứ tư thì thấy chớp và lại thấy có sự kỳ lạ, trong thân cây có một viên thạch quang. Thợ cưa gỗ thấy vậy liền vứt viên thạch quang xuống sông còn bốn khúc gỗ của cây dâu được nhân dân đem tạc thành bốn pho tượng đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và được lập thờ ở bốn ngôi chùa. Còn viên thạch quang sau khi ném xuống sông, đêm ngài báo mộng cho quan, quan đã thuê người mò lên đem về thờ ở chùa Pháp Vân (chùa Dâu) (hiện nay viên thạch quang không còn nữa). Nói đến cây tích trượng, nhân dân xã Lạc Hồng lên quan mua nhưng quan không bán sau chờ đến hết giờ nghỉ, các già nam và trai đinh xin được buộc lồng đòn khênh thử thì lập tức vụt bay theo đoàn người. Thấy vậy, quân quyền lập tức đuổi theo đòi lại nhưng đoàn người đuổi đến đâu thì trời sầm sập mưa đến đấy (vì vậy sau này trong lễ hội rước kiệu luôn phải chạy). 

Hiện nay, tại xã Lạc Hồng có 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp là chùa Thái Lạc thờ bà Pháp Vân, chùa Hồng Cầu thờ bà Pháp Vũ, chùa Nhạc Miếu thờ bà Pháp Lôi và chùa Hồng Thái thờ bà Pháp Điện. Năm 1964, ngôi chùa Thái Lạc đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Trong các ngôi chùa này còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý báu và lễ hội dân gian truyền thống gắn với việc cầu mưa. Lễ hội cầu mưa là một tín ngưỡng phồn thực đã có từ lâu đời gắn liền với ước vọng của cư dân nông nghiệp, cầu mong cho sự phồn thực no đủ, cho thiên hạ thịnh vượng phồn vinh, cho vạn vật không ngừng sinh sôi nảy nở. Trước đây lễ hội cầu mưa thường được nhân dân nơi đây tổ chức mỗi khi trời hạn hán nhưng từ năm 1965 trở lại đây, lễ hội không được duy trì do các ngôi chùa đều bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 2005, nhân dân xã Lạc Hồng đã khôi phục lại lễ hội cầu mưa.

Lễ hội truyền thống cầu mưa của nhân dân xã Lạc Hồng được tổ chức từ ngày 6- 8.3 âm lịch (tức ngày 15- 17.4.2013). Trước đó, ngày 5.3 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ Hạ Tượng và lau rửa các đồ thờ tế để chuẩn bị cho lễ hội. Khai hội được tổ chức vào ngày 6.3 âm lịch, trong ngày này diễn ra nghi lễ rước bà Pháp Lôi, Pháp Vũ xuống chùa Thái Lạc thờ bà Pháp Vân. Ngày 7.3 tổ chức lễ Rước nước sau đó rước ba bà Pháp Lôi, Pháp Vũ, Pháp Vân về ngự tại chùa Hồng Thái thờ bà Pháp Điện. Ngày 8.3 nhân dân sẽ rước các bà hoàn cung về ngự tại chùa của mình và tiến hành lễ Yên vị. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, bên cạnh các hoạt động tế, lễ long trọng, trang nghiêm, thì phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như: kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, các trai kiệu chơi trò chơi đánh trăng… thu hút đông đảo du khách đến xem. Lễ hội không chỉ thể hiện mong ước chinh phục thiên nhiên, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.

Tin liên quan