Giới Thiệu
Đăng ngày: 06/07/2020 - Lượt xem: 61
Hưng Yên dự hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Ngày 2.7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh.

Description: Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng YênCác đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên


Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hội nghị Chính phủ với các địa phương tập trung đánh giá, tổng kết lại 6 tháng đã qua và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn. Bên cạnh các điểm sáng tích cực, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ một số điểm yếu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong đánh giá tình hình, chung sức đồng lòng, quyết tâm hơn để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.


Tại hội nghị, các đại biểu nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1.1.2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt các nội dung: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020; Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ; Một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. 


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo tình hình triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm. Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế báo cáo cập nhật tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19... Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng thảo luận các kịch bản, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” vừa không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại, vừa phục hồi phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020.


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 43,9% dự toán năm, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước đạt 41,8% dự toán năm; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 3,4% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, đạt 33,1% kế hoạch. Xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề do thương mại thế giới giảm. Tình hình phát triển doanh nghiệp có tín hiệu khả quan. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm...


Tại Hưng Yên, 6 tháng đầu năm, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,83%. Thu ngân sách ước đạt trên 6,5 nghìn tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 16,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,44% so với cùng kỳ. Có 12 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, đạt 60% kế hoạch. 


Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, do đó tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, tỉnh đã kịp thời tổ chức hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với kinh phí trên 129 tỷ đồng. Bên cạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã triển khai một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội trước tình hình dịch bệnh như: Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người từ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi ngoài quy định chung của Chính phủ; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người khuyết tật chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ 30kg gạo/hộ cho 100% hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai xây dựng nhà ở cho hơn 1,5 nghìn hộ gia đình là người có công với cách mạng và hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 123 tỷ đồng. Công tác khám, chữa bệnh được quan tâm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,12%. Đến ngày 25.6, toàn tỉnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công được trên 2 nghìn tỷ đồng, đạt 63,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao...


Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tập trung nghiên cứu, xử lý các kiến nghị, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà các đại biểu đã nêu tại hội nghị. Tập trung giải quyết tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Các bộ, ngành, địa phương cần chung sức, đồng lòng, có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại; có những chính sách, giải pháp cụ thể trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, kích thích tiêu dùng trong nước...

Nguồn: baohungyen.vn

 

Tin liên quan